Khám phá ẩm thực - - 2021-02-02T11:07:20+07:00
Sapa không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc mà ở đây còn có nền ẩm thực vô cùng độc đáo. Các món ăn mang nét đặc sắc từ cách chế biến cho đến nguyên liệu, phát phất chút gì đó của núi rừng hùng vĩ. Hãy cùng Tasty Kitchen khám phá ẩm thực Sapa để hiểu thêm về vùng đất này nhé.
Người Sapa thường sử dụng các loại nông sản để làm nguồn lương thực chính, như: gạo tẻ, gạo nếp, ngô, khoai, sắn và các loại đậu. Chính vì đặc điểm thời tiết vùng cao, cho nên người dân thường hay sử dụng các loại gia vị có tính nóng như ớt, gừng, riềng, sả, hạt dổi,… vào trong các món ăn.
Ẩm thực Sapa là sự giao thoa của các cộng đồng người dân tộc thiểu số như Dao, Tày, H’mông và Giáy. Mỗi dân tộc sẽ có những đặc trưng riêng và tạo nên nét đặc sắc cho ẩm thực vùng núi rừng hùng vĩ này.
3 nét đặc sắc của ẩm thực Sapa, đó chính là:
Các món nướng dường như đã trở thành thương hiệu của ẩm thực Sapa. Có lẽ vì đặc điểm khí hậu, cho nên, việc ăn đồ nướng là lựa chọn hoàn hảo nhất. Điểm đặc biệt trong các món nướng ở đây là có thể chế biến từ bất kỳ loại nguyên liệu nào, như: ngô, khoai, sắn, trứng, nấm, thịt, cá… Và quan trọng là người dân tự tay trồng, hái trên rừng hoặc chăn nuôi tại nhà.
Thường thì ở đây, người ta sẽ không tẩm ướp một loại gia vị nào cả để giữ nguyên hương vị tươi ngon của thực phẩm. Sau khi nướng, họ sẽ ăn kèm cùng với muối chẩm chéo và loại nước chấm đặc trưng ở đây.
Sapa có đặc điểm khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm. Chính vì vậy, các loại rau vô cùng đa dạng và tươi ngon. Người dân ở đây trồng rau với hình thức tự nhiên. Cho nên, thực khách sẽ cảm thấy vô cùng an tâm khi ăn.
Rau có trong tất cả các bữa ăn và đặc biệt là lẩu. Ẩm thực Sapa nếu thiếu rau thì sẽ không còn ngon và đặc trưng nữa.
Nếu đến đây mà không thưởng thức các món ăn được chế biến từ cá hồi và cá tầm là một sai sót. Hai loại cá này đã tạo nên nét đặc trưng cho ẩm thực Sapa.
Người dân ở đây thường ăn sống như kiểu sashimi hoặc nấu lẩu để thưởng thức trọn vẹn hương vị tươi ngon của hai loại cá này.
Thịt cá hồi và cá tầm chỉ thơm ngon khi được nuôi ở những vùng có khí hậu như Sapa. Khi thưởng thức những món ăn từ hai loại cá này, các bạn sẽ cảm nhận được sự săn chắc của từng miếng thịt mà không hề có một chút mỡ nào. Thiên nhiên quả thực quá ưu ái cho nền ẩm thực ở đây từ thực vật cho đến động vật.
Để hiểu hơn về ẩm thực Sapa, chúng ta hãy cùng trải nghiệm các món ăn độc đáo và đặc sắc dưới đây:
Gà ác là một loại gà rất đặc biệt của miền Bắc có màu đen xì và chỉ nặng tầm 1kg. Thịt của gà ác rất dai và thơm. Ngoài ra, loại thực phẩm này được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh.
Có rất nhiều món được làm từ loại gà này như hấp, xào, kho,… Nhưng ngon nhất vẫn là nướng với mật ong. Đây là món ăn nhất định phải thưởng thức của ẩm thực Sapa.
Cách chế biến món này khá kỳ công và tỉ mỉ, đặc biệt là ở bước quét mật ong lên da gà. Nếu cho quá nhiều thì gà sẽ bị cháy và có vị đắng, rất khó ăn. Ngược lại, quét ít quá thì gà lại không đủ độ ngọt và đúng vị của món ăn. Để tạo mùi thơm và ngon hơn, người ta thường cho thêm các nguyên liệu vào bụng của con gà như: thịt bằm, nấm hương, mộc nhĩ và các loại gia vị.
Gà ác nướng mật ong khi chín sẽ có một mùi thơm khiến thực khách không thể kìm lòng được. Miếng gà nóng hổi thơm ngon ăn cùng lá bạc hà và chấm với muối tiêu chanh thì còn gì bằng.
Đây được coi là một món ăn khá kinh dị của người H’mông. Thắng cố tạo nên một nét độc đáo cho ẩm thực Sapa.
Nói món ăn này kinh dị là vì nguyên liệu chế biến là từ tất cả các phần của con ngựa và thậm chí là ruột già. Ngày nay, người ta đã biến tấu lại và thêm một số các loại thịt khác như dê, bò, trâu,… Tuy nhiên, vẫn giữ được nét đặc trưng của thắng cố.
Tuy cách nấu khá đơn giản nhưng món ăn này là sự kết hợp của tận 12 loại gia vị đặc trưng của người dân tộc nơi đây. Người nấu sẽ phải sơ chế thật sạch thịt và nội tạng rồi đem đi luộc chín. Sau đó, họ sẽ ướp sơ qua và đem đi ninh cùng với xương, huyết, nội tạng cùng 12 loại gia vị trong vài tiếng đồng hồ.
Khi ăn, người ta sẽ nhúng thêm thịt ngựa và dùng kèm với những loại rau xanh đặc trưng ở đây. Giữa cái lạnh của Sapa, ngồi ăn một chén thắng cố nóng hổi có vị thơm giòn của thịt ngựa và tươi ngon của rau, chấm kèm với loại ớt nổi tiếng của Mường Khương thì thật tuyệt hảo.
Người dân vùng cao khi thiếu tiền thì họ thường cắp những con lợn vào nách rồi đem ra chợ bán. Chính vì vậy, cái tên lợn cắp nách xuất phát từ hình ảnh trên.
Món ăn này được làm từ những con lợn nhỏ tầm từ 7kg cho đến 10kg. Chúng được nuôi theo cách tự nhiên là thả rông. Cho nên, thịt khi nướng lên ăn cực kỳ ngon và có mùi vị đặc biệt.
Lợn sẽ được làm sạch lông và nướng nguyên con . Khi ăn, chúng ta sẽ cảm nhận được vị mềm và ngọt của thịt kết hợp với miếng da giòn rụm. Người dân ở đây thường chấm kèm với muối chẩm chéo. Đặc biệt, để tăng hương vị món ăn thì họ sẽ uống chung với rượu táo mèo. Một nét vô cùng đặc trưng của ẩm thực Sapa.
Trâu gác bếp là món đặc sản và thường được mua về làm quà nhất của ẩm thực Sapa. Hơn thế nữa, món ăn này còn thể hiện được truyền thống ẩm thực của người dân vùng cao nơi đây.
Thịt trâu sẽ được tẩm ướp với các loại gia vị bí truyền của người dân tộc. Sau đó, người ta sẽ đem đi xiên thành từng que dài rồi gác lên bếp lửa trong vòng 8 đến 10 tháng. Đây là khoảng thời gian để thịt vừa khô ở mức độ vừa phải.
Món này chúng ta có thể ăn ngay hoặc đem đi chế biến bằng cách xào hay hầm tùy ý thích. Mùi hương thì thơm nức mũi, càng nhai thì thịt càng ngọt và thơm. Hơn thế nữa, thịt trâu rất giàu chất dinh dưỡng.
Cơm lam là một món ăn khá phổ biến của ẩm thực Sapa. Tuy nhiên, món này lại mang những nét tinh túy của núi rừng Tây Bắc. Bạn có thể thưởng thức món cơm lam từ các nhà hàng cho đến những quán ăn lề đường.
Tuy gọi là cơm lam nhưng lại được chế biến từ nếp nương. Nếp sẽ được vo sạch và bỏ vào một ống nứa đã chặt bỏ một phần đầu. Sau đó, thêm nước và một chút muối vào. Cuối cùng, bịt kín ống nứa lại bằng lá chuối rồi đem đi nướng trên bếp than cho đến khi chín.
Để ăn cơm lam, chúng ta phải bóc từng lớp nứa ra từ trên xuống dưới. Điều đặc biệt là khi phần cơm trắng thơm ngon lộ ra sẽ được bọc lấy bởi một lớp lụa mỏng từ ống nứa non. Mùi thơm của nếp toả ra cùng với vị dẻo của nó đã tạo nên nét đặc trưng của món ăn này.
Thịt nướng và muối vừng là hai món ăn kèm với cơm lam. Tuy đơn giản, nhưng một khi đã thưởng thức thì khó mà quên được mùi vị của món ăn này.
Cá hồi rất nổi tiếng ở vùng Tây Bắc. Chính vì vậy, những món ăn từ loại cá này được đánh giá rất cao. Một trong số đó là món ruốc cá hồi. Đây là món ăn rất tốt cho sức khoẻ của ẩm thực Sapa.
Vì thịt của cá hồi rất chắc và không có mỡ, cho nên, việc làm ruốc khá dễ dàng và mang mùi vị thơm ngon. Cách chế biến khá công phu. Đầu tiên, phải lọc xương và da cá ra, chỉ lấy phần thịt màu hồng. Tiếp đó, đem đi hấp cách thuỷ đến khi cá chín. Công đoạn cuối cùng là đem đi rang khô trên lửa nhỏ. Muốn món ăn này thành công thì phải vừa rang vừa chà nhỏ miếng cá ra.
Ruốc cá hồi chứa nhiều đạm và chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, khách du lịch thường mua về làm quà cho bạn bè và người thân.
Mèn mén là món ăn phổ biến được làm từ ngô của người H'mông. Đây được xem như một nét đặc trưng của ẩm thực Sapa.
Món ăn này nhìn có vẻ đơn giản nhưng khâu chế biến lại vô cùng phức tạp và tỉ mỉ. Hạt ngô sau khi được tách ra sẽ chọn lấy những hạt còn nguyên vẹn, không bị sâu và mốc. Sau đó, người ta sẽ đem đi xay mịn ra thành bột ngô.
Bột ngô phải được lọc rất kỹ, không được sót lại một chút mày hay sạn nào cả rồi đem đi hấp 2 lần. Món này muốn thành công thì phải can đúng lượng nước để nấu. Nếu không sẽ bị vón cục, nát ra và không ngon.
Mèn mén có vị bùi, béo, thơm và dẻo của hạt ngô. Đây cũng là một món ăn nên thử khi có dịp đến Sapa.
Xôi ngũ sắc góp phần làm nên nét đặc sắc cho ẩm thực Sapa. Món ăn này thường được xuất hiện trong các ngày lễ tết ở đây với ý nghĩa đem lại may mắn và thành công trong công việc.
Món xôi này gồm có 5 màu khác nhau được tạo bởi các loại nguyên liệu từ thiên nhiên như lá dứa, củ dền, gấc, nghệ, lá gừng,… Bên cạnh đó, xôi ngũ sắc có rất nhiều cách tạo hình như ruộng bậc thang, ngôi sao năm cánh hay hình tháp.
Các bước để chế biến được món ăn bắt mắt này khá cầu kỳ. Đầu tiên, để hạt xôi nở thì cần phải ngâm nếp trong vòng 6 đến 8 tiếng Tiếp theo, chia thành 5 phần bằng nhau rồi đem đi nhuộm. Cuối cùng là đem đi nấu. Lưu ý, để xôi lên màu đẹp, người dân ở đây thường nấu mỗi màu một chỗ riêng và cho phần nào dễ ra màu nhất vào nồi trước.
Nhắc đến ẩm thực Sapa thì không thể không nói đến rượu ngô. Đây được xem như một món rượu đặc sản ở vùng đất này.
Để nấu được món rượu ngô ngon thì phải sử dụng đúng loại mọc trên vùng núi đá cao vô cùng hẻo lánh ở Bắc Hà. Hạt của nó sẽ rất vàng, giòn, thơm và chứa đầy chất dinh dưỡng hơn so với những loại bình thường.
Để cho ra được những giọt rượu thơm nức mùi ngô phải đòi hỏi sự công phu trong quá trình nấu. Khi nấu ra, rượu sẽ có màu trắng và mùi vị khá nặng. Tuy nhiên, lại không hề gây ra một chút nhức đầu hay buồn nôn nào cả.
Việc kết hợp giữa rượu ngô với các món ăn ở Sapa trong thời tiết lạnh giá thì rất hợp lý. Khi uống, bạn sẽ cảm nhận được mùi vị cay nồng chạy từ lưỡi xuống dạ dày.
Qua bài viết này, hy vọng các bạn đã trải nghiệm được những nét đặc sắc và độc đáo của ẩm thực Sapa. Đồng thời, hiểu thêm nét đẹp văn hoá của vùng núi rừng Tây Bắc ẩn sâu trong mỗi món ăn. Hãy cùng Tasty Kitchen khám phá nhiều nền ẩm thực hơn nữa qua các bài viết tiếp theo nhé!
Đội ngũ TASTY Kitchen luôn có mặt
để hỗ trợ bất cứ khi nào bạn cần.
Chúng tôi hỗ trợ thanh toán online
qua Ví điện tử tiện dụng.
Bạn sẽ vẫn cảm nhận được sự nóng
hổi của món ăn khi nhận hàng.