0
  • Bạn đã thích 0 Món ăn
0
  • 0 món - 0 phần
  • Thanh toán

10:00 - 18:00

1900 633 818

Những món ngon ngày Tết đậm đà hương vị cổ truyền

Khám phá ẩm thực - - 2020-09-09T16:01:03+07:00

Tết không chỉ là khởi đầu của một năm mới mà còn là dịp đặc biệt để các thành viên trong gia đình có cơ hội sum họp, quây quần bên nhau. Phút giây giao thừa bên mâm cơm với đầy đủ các món ngon ngày Tết càng khiến khoảnh khắc trở nên trọn vẹn. Bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những món ăn ngày Tết đến từ ba miền và ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa sau những hương vị đó nhé.

Món ngon ngày Tết miền Bắc - Nhiều ẩn ý sâu sắc

Miền Bắc nước ta mỗi dịp Tết đến xuân về đều là thời điểm cuối đông, đầu xuân, tiết trời lưu lại rất rõ cái lạnh của mùa đông. Cùng với cây quất xum xuê, cành đào phai hân hoan là những món ăn nóng hổi trên mâm cơm gia đình.
Đa số người dân Bắc bộ, đặc biệt là người Tràng An - thủ đô Hà Nội đều rất chăm chút đến mâm cơm ngày Tết. Cha ông ta quan niệm mọi người đã làm việc quanh năm vất vả, tiết kiệm thì đến những ngày đầu năm bữa cơm gia đình phải thật thịnh soạn. Các bà, các mẹ đều chú ý bày biện mâm cỗ sao cho bắt mắt, và đặc biệt mỗi món ăn đều mang ý nghĩa biểu tượng rất riêng.

Bánh chưng - Tượng trưng cho đất với ý nghĩa "Hướng về cội nguồn, quê hương"

Nhắc đến cái Tết ở Bắc bộ là chúng ta nhắc đến: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Có lẽ nếu gia đình nào thiếu sắc xanh của bánh chưng thì năm mới còn chưa đủ vị, cái Tết còn chưa về. Đây cũng là lý do chúng tôi nhắc đến món ăn đặc biệt này đầu tiên khi giới thiệu về những món ngon ngày Tết trên đất Bắc.

banh-chung-mon-an-dac-trung
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu mỗi khi Tết đến xuân về.

Theo câu chuyện dân gian mà thiếu nhi vẫn thường được nghe, bánh chưng đã được tạo ra với ý nghĩa thể hiện tinh hoa của đất trời. Nguyên liệu gói bánh dùng chính các nông phẩm thiên nhiên ban tặng người nông dân. Bánh mang hình vuông, bên ngoài bọc lá xanh tượng trưng cho mặt đất, cho mơ ước về các vùng quê xanh ngát và trù phú bao đời nay.
Khi thưởng thức, chúng ta sẽ được biết đến hương thơm và cái dẻo của gạo nếp, vị bùi trong miệng của đậu xanh và đặc biệt là miếng thịt mỡ cay vị tiêu ở nhân bánh. Bánh chưng nếu chỉ bàn về hương vị thì có lẽ nó sẽ khiến người ăn phải nhớ mãi. Hương vị loại bánh này không phải quá đặc biệt nhưng sự kết hợp của các nguyên liệu lại đạt đến mức vẹn tròn, dường như không cần thêm gì mà cũng không nên bỏ lại thứ gì.

Thịt nấu đông - Năm mới đủ đầy, tình duyên may mắn

Có lẽ không ít người vẫn cho rằng vì đất Bắc là xứ lạnh nên món ngon ngày Tết thường chỉ là các món nấu nóng. Tuy nhiên thịt nấu đông - một món dùng lạnh lại là một trong những nét văn hóa đặc biệt không thể thiếu trên mâm cơm đầu năm.
Thịt nấu đông có thể sử dụng thịt gà, thịt lợn có bì, thịt chân giò để nấu, tùy theo khẩu vị của từng gia đình. Người nấu cần căn sao cho thịt phải chín thật nhừ, nước dùng thanh mát, không dầu mỡ, càng trong càng tốt. Kế đến nồi thịt sẽ được đậy kín vung, phơi sương để chính cái lạnh khiến kết cấu nước dùng và thịt cùng đông, hơi đặc lại. Người xưa quan niệm đây là thiên nhiên khiến món ăn trở thành tinh túy nhất, có như vậy thịt mới mang hương vị đặc biệt.

thit-dong-vi-dac-trung-tinh-te
Thịt đông có vị thanh mát đặc trưng rất tinh tế.

Sở dĩ thịt nấu đông được coi là biểu trưng cho năm mới đủ đầy là vì món đầy đặn, có đủ thịt nạc và thịt bì, thể hiện được mong muốn sung túc của người nông dân xưa. Ngoài ra kết cấu hơi đông, kết dính của nước dùng lại thể hiện hi vọng chuyện tình duyên tốt đẹp, người thân trong gia đình hòa thuận, yêu thương lẫn nhau. Có bát thịt đông ăn kèm một chút hành lá trên mâm cơm cúng đầu năm thì mâm cơm ấy mới đủ vị.

Khoanh giò - Phúc lộc đầy đặn, toàn gia xum vầy

Thực tế thì ngày trước đĩa giò lợn được xếp vào các món ăn ngày Tết Việt Nam vì đây là món ít thấy trong ngày thường. Món giò vì thế đã trở thành đại diện cho phú quý, giàu sang, sự đủ đầy và sung túc mà mọi người muốn hướng đến. Sau một năm cả nhà lao động, làm việc thì đến bữa cơm đầu năm nhất định phải có khoanh giò để cùng nhau thưởng thức.

gio-bieu-trung-cho-phuc-loc-sung-tuc
Giò biểu trưng cho phúc lộc, sung túc và thường được coi là một món ngon ngày Tết.

Giò là món ăn chế biến khá đơn giản, làm từ thịt lợn giã nhuyễn, ép chặt và hấp chín. Bên ngoài người ta cũng gói giò bằng lá chuối để bảo quản tự nhiên thay vì phải nấu lại hàng ngày. Mâm cơm Tết bao giờ cũng có ít nhất một đĩa giò cắt khoanh, dày đủ ăn. Khi ăn cơm nóng mỗi thành viên trong gia đình gắp cho nhau một miếng với ngụ ý năm mới trong ấm ngoài êm.

Dưa hành - Nét văn hóa từ mâm cơm cổ truyền

Nếu như ba món ngon ngày Tết chúng ta vừa nêu đều sử dụng các nguyên liệu thể hiện ước vọng sung túc, no ấm thì dưa hành lại là món ăn khá bình dân. Vậy vì sao ngày nay món dưa hành vẫn giữ vị trí không thể thay thế trong mâm cơm đầu năm? Đó chính là tinh thần kế tụng truyền thống, giữ gìn hồn Việt của dân tộc ta.
Dưa hành là món ăn mang vị chua, hơi cay, lạ miệng và cũng kích thích vị giác rất tốt. Các gia đình Việt Nam xưa nhà nào cũng có vại dưa muối hoặc hành muối ăn quanh năm, ngay cả đến dịp đầu năm vẫn không bỏ thói quen có miếng dưa hành trong bữa cơm.

dua-hanh-net-van-hoa-khong-the-thieu
Dưa hành đã là nét văn hóa không thể thiếu trên mâm cơm Việt.

Nhiều người nhận xét dưa hành là một sự tinh tế trong bữa cơm Việt. Lý do là vì vị chua cay, hơi giòn của món này cân bằng rất tốt cái béo ngậy của bánh chưng, giò, thịt mỡ hoặc các món rán. Thậm chí dưa hành còn giúp tôn hương vị của các món chính lên. Ăn một miếng bánh chưng hay một miếng thịt đông kèm miếng dưa hành nhỏ thì mới biết cách thưởng thức chuẩn Việt.

Món ngon ngày Tết miền Trung - Dân dã mà đượm tình

Miền Trung vẫn được biết đến với nét hồn hậu của những người dân miền biển. Người miền Trung được nhận xét hiền lành, thật thà và chân chất. Họ lúc nào cũng thẳng thắn, không cầu kỳ. Nếu bạn đã từng có cơ hội thưởng thức các món ngon ngày Tết mà người vùng này bày biện thì sẽ thấy rõ mâm cơm không quá chăm chút như miền Bắc nhưng lại có hồn rất riêng.
Cái hồn mâm cơm không đặt trọng tâm tại hình thức mà ở hương vị. Ở miền Trung món ăn ngày tết đậm đà hương vị, khi thưởng thức, tựa như chúng ta cảm nhận được sự đậm đà, bắt miệng khó quên không khác gì nắng gió xứ biển này.

Tré - Sự đùm bọc, đoàn kết và thuận hòa

Trước đây tré từng là món ăn nổi tiếng tại xứ Huế, chuyên phục vụ các bậc vua chúa. Đây cũng là lý do khiến hương vị món này gần như đạt đến độ hoàn thiện và giỏi níu lòng thực khách. Ai đã có dịp thưởng thức tré một lần chắc chắn đều nhớ mãi.

tre-mon-an-kho-quen-cua-nguoi-xu-hue
Tré là món ăn có hương vị khó quên của người dân xứ Huế.

Tré có cái dai dai, sần sật ở thịt đầu heo và cái ngậy, béo từ thịt ba chỉ. Thịt được gói chặt, quyện trong hỗn hợp gia vị được pha chế theo công thức đặc biệt gồm tỏi, ớt, mè,... Gia vị dậy mùi cùng sự khéo léo khi chọn đúng phần thịt làm cho món ăn không bị ngán hay quá khô, dễ ăn mà cũng dễ kết hợp với món khác.
Trong số những món ngon ngày Tết của người miền Trung, tré đại biểu cho không khí ấm cúng, gần gũi của năm mới, niềm vui sum vầy và đoàn viên của tất cả mọi người. Người ta hi vọng có tré trong bữa cơm thì mọi người cũng trở nên gắn bó, khăng khít và đoàn kết hơn trong năm tới.

Dưa món - Năm mới hài hòa, viên mãn

Thoạt nhìn ban đầu thì dưa món có màu sắc bắt mắt hơn hẳn dưa hành của miền Bắc. Dưa món của người Trung có vị trí rất quan trọng trong danh sách món ngon ngày Tết có mặt tại mâm cơm. Nếu thiếu dưa món là mâm cơm không đầy đủ, hoàn thiện, năm mới không vẹn tròn và may mắn.

dua-mon-dai-dien-cho-su-du-day-ven-tron
Dưa món đại diện cho sự đủ đầy, vẹn tròn.

Tuy là một món ăn kèm nhưng dưa món lại được làm khá cầu kỳ. Người ta lấy nhiều loại rau củ như cà rốt, đu đủ, củ cải rửa sạch, cắt nhỏ và phơi khô. Kế đó người làm phải pha một dạng nước mắm chua ngọt với công thức bí mật sao cho có đủ vị chua - cay - mặn - ngọt, có tỏi và ớt tươi. Đem tất cả các nguyên liệu trên ngâm cho đậm vị mà màu sắc tươi tắn của chúng không được thay đổi mới là thành công.
Dưa món nhiều màu sắc của rau củ, kết hợp tất cả các hương vị chính là đại diện cho năm mới vẹn toàn và viên mãn. Món này được dùng để ăn kèm cùng các món chính, giúp vị giác của mọi người nhạy bén hơn, tôn lên hương vị ngày Tết.

Tôm chua - Món quà từ miền biển

Thực tế thì tôm chua là một trong những món ăn bắt nguồn từ mảnh đất cố đô thơ mộng Huế. Theo thời gian, người miền Trung vì ưu ái hương vị đặc biệt của nó mà bổ sung thêm vào các món ngon ngày Tết trong mâm cơm.
Tôm chua có hai nguyên liệu chính là tôm tươi và nước mắm cốt phải ngon, đậm vị thì mới làm thành được. Tôm sau khi sơ chế đem ngâm trong nước mắm, căn lượng đường, ớt, tỏi sao cho vị cuối vừa ngọt, vừa chua lại vừa mặn thật bắt miệng. Món ăn có màu đỏ cam nổi bật, tô điểm cho mâm cơm năm mới thêm phong phú.

tom-chua-mang-huong-vi-dac-trung-cua-mien-bien
Tôm chua mang hương vị đặc trưng của miền biển.

Người dân dùng tôm chua để dâng lên ban thờ cúng mặn đầu năm mới ngụ ý thể hiện những gì gần gũi nhất của dân chài vùng biển, cầu cho năm tới biển lặng, cá tôm đầy khoang.

Món ngon ngày Tết miền Nam - An khang, vạn sự lành

Ngày đầu xuân tại phía Nam của Tổ quốc vẫn được biết đến với tiết trời ấm áp, khí hậu ôn hòa, sắc vàng của mai và đặc biệt là các món ăn chuẩn vị Nam bộ. Người dân tại đây có phong cách sống cởi mở, chan hòa và rất coi trọng ẩm thực trong năm mới. Đa số món ngon ngày Tết miền Nam được chuẩn bị đều mang ngụ ý đầy đặn, hướng đến điều may mắn và tốt đẹp.

Bánh tét - Nét đặc trưng không thể thiếu cho năm mới bình an

Nếu như người Bắc có bánh chưng thì miền Nam và vùng Nam Trung bộ có bánh tét. Bánh tét cũng dùng gạo nếp, đỗ và lá chuối (hoặc lá dong) làm nguyên liệu chính. Tuy nhiên người dân tại đây đã dùng linh hoạt thịt mỡ, trứng muối, lạp xưởng,... để làm nhân. Thậm chí tại một số vùng năm mới còn gói bánh tét ngọt để ăn Tết. Loại bánh tét ngọt có thể dùng thêm chuối hoặc đậu đỏ.

banh-tet-dac-trung-tet-nam-bo
Người xưa và nay vẫn quan niệm rằng, có bánh tét mới thành Tết Nam bộ.

Bánh tét được người miền Nam gọi theo kiểu trụ dài nên còn được gọi là đòn bánh. Nhà nào cũng chuẩn bị vài đòn bánh để ăn Tết thì đầu năm mới may mắn, sung túc, ăn nên làm ra. Đặc biệt nguyên liệu nếp còn thể hiện sức khỏe và sự bình an.

Thịt kho hột vịt - Mọi điều vuông tròn, may mắn

Cái tên thịt kho hột vịt là cách dùng từ của người miền Nam, thực chất món này là thịt kho trứng, có thể ăn cùng cơm nóng như món chính. Món ăn thể hiện ước mong về sự toàn vẹn, vuông tròn là vì trong món ăn người ta đã tái hiện được các yếu tố quan trọng của đời sống.

thit-kho-hot-vit
Thịt kho hột vịt là một trong các món đãi khách ngày Tết của người miền Nam.

Cụ thể, miếng thịt lớn vuông, có màu nâu đậm tượng trưng cho đất, quả trứng tròn, trắng tượng trưng cho trời. Đây chính là hai thứ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và vụ mùa của người nông dân. Đưa hai hình ảnh đó vào mâm cơm thì cha ông cho rằng năm mới sẽ vuông tròn, hài hòa, vạn sự như ý.
Trong số các món ngon ngày Tết miền Nam, có lẽ thịt kho hột vịt chính là món ăn đậm đà, dễ ăn nhất. Trứng hơi ngậy, miếng thịt kho nhừ, nở tan trong miệng lại bùi bùi cùng nước dùng ngọt, đậm vị sẽ làm xiêu lòng bất cứ ai có cơ hội thưởng thức.

Canh khổ qua nhồi thịt - Xuân đến cùng may mắn và niềm vui

Người miền Nam rất chú ý đến quả khổ qua vì quan niệm chỉ cần ăn loại quả này mọi muộn phiền, đau khổ sẽ qua đi, sẽ tiêu tan. Cũng vì lý do này mà khổ qua được xuẩt hiện trên mâm cơm ngày Tết. Tuy nhiên để mong cầu thêm may mắn, sung túc, no đủ thì người dân Nam bộ nhồi thêm thịt, mộc nhĩ vào giữa khổ qua và đem nấu canh.

canh-kho-qua-nhoi-thit
Khổ qua nhồi thịt đại diện cho mong muốn may mắn đến, muộn phiền mau qua.

Bát canh khổ qua nóng ấm sẽ khiến mâm cơm Tết đa dạng hương vị và bắt mắt hơn. Nước canh khổ qua nhồi thịt có vị hơi đắng đặc trưng, quyện cùng cái ngọt thơm của thịt và mộc nhĩ. Chắc chắn món ăn lạ miệng này sẽ xua tan đi cảm giác ngán của các món thịt, rán khác trên mâm cơm.

Củ kiệu tôm khô - Hi vọng tài lộc dồi dào, công danh tấn tới

Có lẽ chúng ta đều đã quen thuộc với cái tên củ kiệu trong số món ngon ngày Tết của miền Nam. Củ kiệu ngâm ăn cùng tôm khô đã sớm trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng miền này. Món ăn này có vị khá đặc biệt khi hội tụ đủ cái giòn, hơi dai dai, vị hăng, mặn, ngọt của củ kiệu. Tôm khô giúp cân bằng vị giác của người dùng, thêm mùi vị bùi bùi cho món ăn.

cu-kieu-tom-kho
Củ kiệu tôm khô mang theo mong muốn tài lộc viên mãn của người dân Nam bộ.

Người Nam bộ xưa quan niệm củ kiệu biểu trưng cho tài lộc và sự thăng quan tiến chức nên trong năm mới nhà nào cũng chuẩn bị một địa củ kiệu ngâm ăn với tôm khô. Ngoài ra món ăn này cũng có thể ăn kèm bánh tét hoặc thịt kho cho dậy vị nhé!

Xem thêm:

Trên đây là một số món ngon ngày Tết đặc trưng theo hương vị truyền thống của cả ba miền được Tasty Kitchen tổng hợp lại. Có thể thấy, mỗi vùng miền lại có gu ẩm thực, cách chế biến món ăn riêng nhưng món nào cũng đậm đà bản sắc và giàu ý nghĩa. Nếu đang kiếm những món lạ ngày Tết để thiết đãi người thân, bạn có thể thử nấu một món ngon xứ khác để đổi mới mâm cơm ngày Tết của gia đình mình nhé. Chúc bạn có những bữa cơm sum họp đáng nhớ cùng các món ngon ngày Tết chuẩn vị Việt!

Diệu Trần

Đăng ký nhận ưu đãi

Vui lòng nhập Email của bạn để nhận tin tức về những chương trình khuyến mại
và ưu đãi mới nhất từ TASTY Kitchen

Hỗ trợ 12/7

Đội ngũ TASTY Kitchen luôn có mặt
để hỗ trợ bất cứ khi nào bạn cần.

Thanh toán tiện dụng

Chúng tôi hỗ trợ thanh toán online
qua Ví điện tử tiện dụng.

Giao hàng nhanh chóng

Bạn sẽ vẫn cảm nhận được sự nóng
hổi của món ăn khi nhận hàng.